5 năm qua, kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh Bắc Giang đạt được nhiều thành tựu quan trọng; thế và lực của tỉnh không ngừng được nâng lên. Tốc độ tăng GRDP hàng năm luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước, cả giai đoạn đạt 13,9% gấp hơn 2 lần bình quân cả nước. Quy mô nền kinh tế được mở rộng, chất lượng từng bước cải thiện. Phát huy kết quả đạt được, tỉnh Bắc Giang đã đề ra 18 chỉ tiêu, 9 giải pháp chủ yếu phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025.
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh bình quân cả giai đoạn đạt 14 - 15%.
Mục tiêu tổng quát
Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Bắc Giang phát triển nhanh, toàn diện và vững chắc. Tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả vừa củng cố quá trình phục hồi kinh tế, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Phát huy vai trò công nghiệp là động lực chính cho tăng trưởng. Phát triển một số loại dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế thị trường, nhu cầu của xã hội. Nông nghiệp phát triển ổn định, theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng. Huy động tối đa nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, khu công nghiệp và đô thị gắn với vùng trọng điểm. Phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội thuộc nhóm tiên tiến của cả nước; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của nhân dân. Tăng cường hiệu quả công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Củng cố quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển. Đến năm 2025, quy mô GRDP nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước.
Các chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2021 - 2025
Về phát triển kinh tế:
(1) Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm của tỉnh (GRDP) bình quân cả giai đoạn đạt 14 - 15%. Cơ cấu kinh tế năm 2025: Công nghiệp - xây dựng khoảng 68,4%; dịch vụ 20,6%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 11%.
(2) GRDP bình quân đầu người đạt trên 5.500 USD.
(3) Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân, giai đoạn 2021 - 2025 đạt 13,4%/năm.
(4) Thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 14 - 16%/năm.
(5) Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 470 nghìn tỷ đồng.
(6) Giá trị sản xuất trên 01 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 140 triệu đồng.
(7) Khách du lịch năm 2025 đạt 3 triệu lượt người.
(8) Tỷ lệ dân số đô thị đạt 32,4%.
(9) Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 84,8%, trong đó xã nông thôn mới nâng cao 40%; có 6 huyện nông thôn mới.
* Về phát triển văn hóa - xã hội
(10) Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 đạt trên 96,4%, mức độ 2 đạt 21,4%.
(11) Số giường bệnh/10.000 dân (không tính giường của TYT xã và PKĐKKV) đạt 31,7 giường. Duy trì tỷ lệ người dân có thẻ BHYT đạt trên 99%; tuổi thọ của người dân trung bình đạt 75 tuổi; lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH chiếm khoảng 47%.
(12) Tỷ lệ thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa đạt 82,5%; tỷ lệ phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị đạt 85%; 90% xã có đầy đủ các thiết chế văn hóa, thể thao cấp thôn, cấp xã.
(13) Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 (theo chuẩn giai đoạn 2016 - 2020) còn 1%; trong đó các xã đặc biệt khó khăn còn 12,6%.
(14) Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 25,1%. Tỷ lệ lao động thất nghiệp thành thị khoảng 2,6%; tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 48,6%; lĩnh vực dịch vụ khoảng 25,7%; lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 25,7%.
Phấn đấu năm 2025, khách du lịch đến tỉnh đạt 3 triệu lượt người.
* Về môi trường:
(15) Tỷ lệ dân số được dùng nước sạch (đạt QCVN02 trở lên) đạt 82,7% (trong đó tỷ lệ dân số thành thị được dùng nước sạch đạt 94,8%; tỷ lệ dân số nông thôn đạt tiêu chuẩn QCVN02 trên 80%).
(16) Tỷ lệ chất thải rắn thu gom được xử lý hợp vệ sinh đạt 85% (trong đó, thành thị 96%, nông thôn 75%);
(17) 100% các KCN, CCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý 100%;
(18) Tỷ lệ che phủ rừng đạt 38%.
Các nhóm giải pháp chủ yếu
1. Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch.
2. Tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo điều hành và cải cách hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
3. Quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển.
4. Phát triển mạnh đội ngũ doanh nghiệp, các thành phần kinh tế.
5. Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ; nghiên cứu, ứng dụng thành tựu CMCN 4.0.
6. Đảm bảo an sinh xã hội; tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc.
7. Thực hiện tốt công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tạo môi trường thuận lợi để phát triển.
8. Thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác; tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương.
9. Tăng cường sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong quá trình tổ chức thực hiện.
Giải pháp đột phá cần tập trung thực hiện
Phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
1. Hoàn thiện cơ chế, chính sách và cải cách hành chính (đây chính là khâu cần tập trung và là vấn đề đặt ra đối với tỉnh hiện nay). Trong đó, tập trung vào việc nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách phát triển vùng kinh tế trọng điểm, sản phẩm chủ lực; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị, nhà ở công nhân, phát triển du lịch, giải quyết các vấn đề môi trường…
2. Tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển, trong đó, tập trung vào hạ tầng giao thông với các tuyến đối ngoại, vành đai kết nối với các địa phương lân cận, kết nối với hệ thống cảng biển, sân bay, kết nối giữa các tuyến đường tỉnh với các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường vành đai; hạ tầng phát triển công nghiệp đồng bộ để thu hút đầu tư; hạ tầng đô thị để đẩy mạnh phát triển dịch vụ và là trung tâm phát triển các khu vực, tiểu vùng; phát triển hạ tầng xã hội đảm bảo nhu cầu xã hội và đẩy mạnh phát triển dịch vụ xã hội.
3. Phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển. Phát huy giá trị văn hóa, con người Bắc Giang đoàn kết, nhân ái, đồng thuận; xây dựng môi trường và đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội. Đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, trọng tâm là hỗ trợ, đầu tư tăng tỷ lệ lao động chất lượng cao trong cơ cấu lao động./.
Theo Bacgiang.gov.vn
- Log in to post comments